Ông Phan Anh Tú: ’45 phút đầu tiên sẽ quyết định trận Việt Nam – Philippines’

– Với lợi thế thắng 2-1 ở lượt đi trên sân khách, theo ông, Việt Nam sẽ chọn lối chơi nào tại Mỹ Đình?

– Chắc chắn là phải thi đấu thận trọng. Thứ nhất, chúng ta đang có lợi thế về tỷ số. Thứ hai, Philippines sẽ đá với tư tưởng không còn gì để mất. Với những đội có thực lực và có sức mạnh như vậy, cộng thêm một HLV lão luyện như Sven-Goran Eriksson, Philippines rất nguy hiểm. Việt Nam cần đặt sự an toàn lên hàng đầu để tránh bị tâm lý, vừa không bị cuốn theo lối đá của đối thủ, vừa không bị nguy cơ thủng lưới sớm. Dưới thời HLV Park Hang-seo, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức một lối chơi chắc chắn vì mình từng đối đầu với những đội có đẳng cấp còn cao hơn Philippines. Nếu bảo vệ được mành lưới trong hiệp một, khả năng đối thủ sẽ nản chí trong 45 phút còn lại, bởi Philippines là một đội bóng có nhiều cá nhân tốt chứ không phải một tập thể có tổ chức tốt. Khi sự hưng phấn ban đầu qua đi, kết hợp với việc xuống sức, tâm lý chùng xuống đương nhiên xảy ra. Lúc đó, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn với Việt Nam.

HLV Park Hang-seo có thể chọn nhiều cách tiếp cận nhưng điều cấm kỵ tối 6/12 là không được để thua trong 45 phút đầu tiên. Nếu để điều ấy xảy ra, mọi vấn đề về tâm lý sẽ dồn hết sang Việt Nam. Chúng ta đều biết, một con hổ đến bước đường cùng nguy hiểm như nào. Philippines cũng vậy. Họ có thể liên tục va chạm về thể chất, pressing cường độ cao, hoặc ngắt quãng trận đấu để tạo ra tâm lý chùn chân cho cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Thực tế thì Philippines không ở trạng thái tốt nhất. Họ không có đủ lực lượng mạnh nhất. Do đó, sức công phá của họ không thể toàn diện, liên tục trên khắp mặt sân. Điều ấy phần nào thể hiện ở trận lượt đi. Philippines chỉ có thể ép trong từng khoảng thời gian 5 hoặc 10 phút nhất định, sau đó rút xuống. Nó giúp cho việc chống đỡ của Việt Nam bớt phần vất vả. Chúng ta có những quãng nghỉ để hàng thủ xốc lại, vá những lỗ hổng.

Bộ đôi tiền đạo “Song Đức” tỏ ra thoải mái và liên tục đùa giỡn trên sân tập trước cuộc tái ngộ Philippines. Ảnh: Đức Đồng.

– Ông dự đoán thế nào về thế trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Philippines?

– Như tôi đã nói, cuộc chiến thực sự có lẽ nằm cả ở 45 phút đầu tiên. Đó sẽ là hiệp đấu căng thẳng, cả ở trên sân lẫn băng ghế huấn luyện. Nhưng mọi chuyện nhiều khả năng ngã ngũ trong hiệp hai. Tôi tin Philippines sẽ bó tay trước hàng thủ Việt Nam. Họ sẽ rơi vào trạng thái lo sợ khi tấn công mãi mà không ghi được bàn, còn hàng thủ thì nơm nớp những miếng phản công tốc độ từ Việt Nam. Điểm nổ của trận đấu có lẽ sẽ đến ở hiệp hai, trong khoảng thời gian đầu hoặc giữa, thời điểm ông Park sẽ tung đòn kết liễu. Việt Nam sẽ càng có lợi thế nếu tỷ số hoà ở lượt về càng được kéo dài.

– Những điều ông phân tích phải chăng ám chỉ tới việc Philippines sẽ đánh phủ đầu, giống như Việt Nam từng làm trước họ ở lượt đi?

– Phủ đầu với Philippines, có lẽ chỉ dừng ở việc họ đẩy đội hình lên cao, sau đó câu những đường bóng bổng vào cấm địa hoặc cho những cầu thủ có khả năng rê dắt đột phá. Từ trận lượt đi, có thể thấy, Philippines khó lòng tấn công một cách dồn dập được. Tôi nghĩ Philippines sẽ tiếp cận trận đấu như này: Họ sẽ gắng có bàn sớm, trong nửa đầu hiệp một, sau đó giữ thế trận cân bằng, và rình rập ăn thêm một bàn nữa trong hiệp hai. Điểm mấu chốt với Philippines khi làm khách ở Mỹ Đình, là có bàn thắng sớm để giải toả tâm lý hay không.

Bóng đá ngoài cái hay về những bài bản, lớp lang khi tấn công, còn có cái hay về chiến thuật, nơi mỗi HLV có cách đọc trận đấu và xử lý tình huống theo cách riêng. Đẳng cấp của một đội bóng nhiều khi chưa hẳn nằm ở việc ban bật tốt, chạy chỗ hay, hoặc chuyền nhiều đường bóng chính xác. Nó còn nằm ở việc đội bóng ấy có tận dụng được thời cơ khi đối thủ sơ hở hay không. Philippines đang cần chính cái “đẳng cấp” này. Ai cũng biết Việt Nam đang là hàng thủ tốt nhất AFF Cup 2018. Bảo tìm được kẽ hở để ghi không chỉ một mà những hai bàn là rất khó. Philippines hiểu điều này, nên kể cả khi quyết chiến trong 45 phút đầu, mục tiêu của họ có lẽ chỉ dừng ở một bàn. Chúng ta đừng nên ngạc nhiên, nếu thấy Philippines ghi bàn trước xong chơi chậm lại, thay vì thừa thắng xông lên.

Philippines gặp khó khăn lớn về lực lượng ở lượt về. Trong buổi tập làm quen sân chiều 5/12, đội tuyển này chỉ còn 17 cầu thủ. Người vừa bị chấn thương là tiền vệ trụ cột Manuel Ott. Ảnh: Đức Đồng.

Philippines gặp khó khăn lớn về lực lượng ở lượt về. Trong buổi tập làm quen sân chiều 5/12, đội tuyển này chỉ còn 17 cầu thủ. Người vừa bị chấn thương là tiền vệ trụ cột Manuel Ott. Ảnh: Đức Đồng.

– Trong bài phân tích về cục diện cặp đấu bán kết thứ hai, một tờ báo Philippines khuyên đội tuyển nước này nên chơi bóng ngắn và đá nhanh. Ông nghĩ điều này liệu có xảy ra?

– Nếu nói bóng ngắn thuần tuý giống như kiểu Barca hay Man City, tôi nghĩ là không. Để chơi bóng ngắn, một đội cần có những cá nhân xoay xở trong phạm vi hẹp tốt, chơi với nhau đủ lâu, nắm rõ từng cách di chuyển của đồng đội. Với con người của Philippines bây giờ, những yêu cầu ấy họ khó đáp ứng nổi.

Việc Philippines được khuyên đá bóng ngắn, chúng ta nên hiểu là họ sẽ triển khai bóng một cách chậm rãi từ phần sân nhà, chứ không phải có bóng là phất dài lên phía trên, hay chuyền bổng dọc biên. Philippines có thể phối hợp nhỏ một vài nhịp, xong mới chuyền dài lên hoặc đưa bóng cho cầu thủ đột phá. Nhỏ hay dài, nhanh hay chậm, tất cả chỉ là tương đối. Quan trọng là người ta đưa quả bóng vào cấm địa, vào những vị trí có thể dứt điểm theo con đường nào. Một khả năng khác là Philippines đá ngắn, rồi tăng tốc từ khoảng cách tầm 35 đến 40 mét trước khung thành Việt Nam, tận dụng khả năng độc lập tác chiến của từng cầu thủ. Nếu đá như vậy, Philippines rất cần cái tài của Eriksson. HLV này phải nhìn ra được điểm yếu trong hệ thống phòng ngự của Việt Nam, để chỉ đạo học trò khoét sâu vào.

– Trước một Philippines hừng hực khí thế, liệu bộ đôi tiền vệ trung tâm là Hùng Dũng và Đức Huy có tiếp tục được sử dụng không?

– Việc sử dụng một nhân sự cụ thể như nào có lẽ chỉ ông Park mới trả lời được. Nhưng theo tôi, dù cho ai đá chính, đó cũng phải là một cầu thủ có tư duy và khả năng phòng ngự tốt. Họ sẵn sàng phạm lỗi, va chạm, thậm chí nhận thẻ để làm nhụt ý chí đối phương. Ngoài ra, tuyến giữa của Việt Nam trận này cũng cần những người rắn giỏi, chịu được sức ép. Cái hay của việc sử dụng những tiền vệ phòng ngự trong thế trận như thế này là khiến Philippines tự thấy nản lòng. Họ có thể cảm nhận là không thể ăn được Việt Nam, từ đó nảy sinh những sự mất tập trung. Ngoài Hùng Dũng và Đức Huy cho vị trí đánh chặn, tôi còn nghĩ tới Huy Hùng, người chưa được sử dụng nhiều ở AFF Cup năm nay.

– Trong buổi họp báo trước trận, HLV Park Hang-seo bỏ ngỏ khả năng sử dụng Quang Hải ở bán kết lượt về. Điều này có liên quan gì tới thế trận thận trọng mà ông đề cập?

– Việt Nam ở lượt đi sử dụng nhiều những đường bóng trung bình, sau lưng trung vệ Philippines, giúp các tiền đạo có khoảng trống đua tốc độ, tránh va chạm trực tiếp với các hậu vệ cao to của Philippines, thậm chí thoát khỏi bẫy pressing mà đối thủ giăng ra. Trong lối chơi chung như thế, Quang Hải rất quan trọng bởi cậu ấy vừa có thể cầm bóng, vừa có thể tự mình dứt điểm hoặc kiến tạo cho đồng đội.

Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, Việt Nam sẽ đề cao sự thận trọng ở lượt về. Việc ông Park nhắc tới Quang Hải có thể là đòn đánh lạc hướng của ông ấy, cũng có thể là dụng ý của ông ấy thật. Sau 45 phút đầu chơi chặt chẽ, khi những cầu thủ giữa sân của Việt Nam quần nhau tơi tả với Philippines, khoảng trống cho những người chơi thiên về kỹ thuật như Quang Hải, nếu vào sân, sẽ nhiều hơn. Có thể coi, hiệp một Việt Nam cần nhiều dũng sĩ hơn, còn hiệp hai chúng ta sẽ ưu tiên những nghệ sĩ.

Văn Đức là cầu thủ hay nhất bán kết lượt đi giữa Philippines và Việt Nam. Tại AFF Cup 2018, tiền đạo SLNA đã có hai bàn, ngang thành tích với Quang Hải và Công Phượng. Ảnh: Lâm Đồng.

Văn Đức là cầu thủ hay nhất bán kết lượt đi giữa Philippines và Việt Nam. Tại AFF Cup 2018, tiền đạo SLNA đã có hai bàn, ngang thành tích với Quang Hải và Công Phượng. Ảnh: Lâm Đồng.

– So với vòng chung kết U23 châu Á, Việt Nam đã tấn công tốt hơn và ghi nhiều bàn hơn ở Asiad 2018 và AFF Cup. Đâu là nguyên nhân dẫn tới việc này?

– Một phần lý do xuất phát từ Anh Đức, cầu thủ chơi tiền đạo toàn diện bậc nhất Việt Nam hiện nay. Ở giải U23, Việt Nam không có tiền đạo cắm nào thực sự giỏi. Chúng ta có thể tạo dựng được thế trận nhưng thiếu đi người có khả năng cụ thể hoá thế trận ấy bằng bàn thắng. Việc Anh Đức được HLV Park Hang-seo tin tưởng suốt từ Asiad đến AFF Cup 2018 là do ông ấy thấy đây là cầu thủ có khả năng đặt dấu “chấm” cho một đợt tấn công. Nói một cách văn hoa, Anh Đức giống như câu kết cho bài văn. Bài văn có thể rất hay, ý tứ dồi dào, phong phú, nhưng vẫn cần một câu kết súc tích, cô đọng và đầy đủ ý nghĩa, bởi đó là câu mà người đọc sẽ rời mắt cuối cùng sau khi đọc cả một bài dài.

Anh Đức là mẫu tiền đạo khác biệt so với phần còn lại ở đội tuyển Việt Nam hiện nay. Nếu bảo cậu ấy áp đặt thế trận, hoặc tạo đột biến, rất khó để Anh Đức hoàn thành nhiệm vụ. Hãy nhớ lại tình huống bỏ lỡ của Công Phượng ở phút cuối trận lượt đi gặp Philippines. Nhiều người thấy tiếc vì pha hỏng ăn này, nhưng tôi cho rằng ông Park sẽ hài lòng bởi khi tung Đức Chinh rồi Công Phượng vào sân, cái ông ấy muốn thấy là những tình huống đột phá, làm điên đảo hàng thủ đối phương như vậy. Khi Việt Nam dẫn 2-1 trên sân khách ở lượt đi, chuyện ghi bàn không quan trọng bằng việc cảnh báo rằng “đội của tôi tạo được thế trận đủ tốt để khiến đối thủ run sợ, tự lộ ra điểm yếu”. Tuy nhiên, trước khi nghĩ tới việc ấy, chúng ta cần có lợi thế dẫn bàn – điều mà Anh Đức và Văn Đức đã hoàn thành xuất sắc. Sự xuất hiện của những cầu thủ đặc biệt như Anh Đức khiến Việt Nam chơi bóng và tấn công đa dạng hơn.

Thắng Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng
Lên đầu trang