Ý nghĩa của võ phục môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo là gì?

Ý nghĩa của võ phục môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo là gì?

Trong đời sống, các hoạt động dù mang tính chất nội bộ hay công khai của một tổ chức nào đó thường mang một sắc thái, một ý nghĩa riêng biệt. Một mặt, nó vừa để phân biệt với các tổ chức, tập thể có cùng hình thức; mặt khác, nó cũng bao hàm một ý nghĩa theo triết lý hay quan niệm riêng của tổ chức đó. Những sắc thái riêng biệt này thường thể hiện qua các nghi thức, trang phục… Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo cũng thế. Các nghi thức sinh hoạt, trang phục… của môn phái vừa mang tính truyền thống nhưng cũng vừa thể hiện triết lý của riêng mình.

Ý nghĩa Võ Phục Môn Phái Vovinam - Việt Võ Đạo
Ý nghĩa Võ Phục Môn Phái Vovinam – Việt Võ Đạo

Võ phục môn phái Vovinam

Riêng về trang phục tập võ, môn sinh Vovinam ăn mặc khá đơn giản với chiếc áo thun ngắn tay và quần đùi. Đến khi Chưởng môn Lê Sáng và các môn đệ hồi phục môn phái vào khoảng đầu năm 1964, Hội đồng lãnh đạo môn phái đã quy định khá chi tiết, chặt chẽ về võ phục và màu đai cho Việt Võ Đạo sinh.
Trong lúc đa số các môn võ khác chọn bộ võ phục màu trắng, thì Vovinam chọn màu xanh đại dương với ý nghĩa tượng trưng cho sự phóng khoáng và bao la như biển cả. Bên cạnh đó, các màu đai trong hệ thống đẳng cấp cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho quá trình rèn luyện về võ thuật và võ đạo của Việt Võ Đạo sinh. Cụ thể như: Màu Xanh (hy vọng), Vàng (đất, màu da), Đỏ (lửa, màu máu), Trắng (tinh khiết, màu xương tủy).
Gắn liền với bộ võ phục là phù hiệu, bản tên và dây đai cũng đều mang ý nghĩa theo nguyên lý Cương Nhu phối triểnvà định lý Thường Dịch.
Nguyên lý Cương trong võ thuật rất có giá trị, nó là biểu tượng của sự hùng mạnh, hào hùng, lòng cương quyết với ý chí sắc đá của nhà võ. Nguyên lý Nhu rất tế nhị, nó là biểu tượng của sự mềm dịu và trong nhiều trường hợp đã hóa giải được sức mạnh như vũ bão. Không chỉ thế, nó còn biểu hiện đức tính nhu hòa của người võ sĩ. Nếu có “Cương” mà không có “Nhu” có thể thiếu linh hoạt biến hóa, đôi khi đi tới cứng nhắc và do đó sẽ giảm mất sự tiến bộ. Tuy nhiên, “Nhu” chỉ có thể hóa giải chứ không khắc chế, hay nói cách khác, nó mang tính thụ động nhiều hơn tích cực. Hơn nữa, nếu không có Cương tính, môn võ sẽ mất đi cái hùng khí của đức Dũng trong võ thuật và không phát huy được đầy đủ tinh hoa của nghệ thuật cũng như tư tưởng.
Từ quan niệm này, sau nhiều năm nghiên cứu võ học Đông-Tây, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã tìm cách tác hợp Âm-Dương để tạo thành nguyên lý CƯƠNG NHU PHỐI TRIỂN của Vovinam-Việt Võ Đạo ngày nay. Biểu tượng đó thể hiện nơi phù hiệu môn phái gắn trên ngực trái của võ phục. Phù hiệu gắn ở vị trí đó vĩnh viễn, bất di bất dịch, không thay đổi thì đó là sự Bất biến. Đối xứng với ngực áo phải là bản tên của người môn sinh. Nó thay đổi theo từng trình độ đẳng cấp: khi thì màu Xanh, lúc màu Vàng, lúc màu Đỏ. Đó chính là sự Thường dịch.

Cách thắt đai Vovinam
Cách thắt đai Vovinam

Cách thắt đai trong Vovinam

Tương tự như vậy, 2 đầu dây đai của người môn sinh có thêu chữ: một bên là VOVINAM, một bên là VIỆT VÕ ĐẠO. Chữ VOVINAM luôn luôn nằm bên tay trái, vì VOVINAM là gốc rễ, là tên gọi từ lúc khai sinh và sẽ bất di bất dịch, tồn tại mãi mãi, không thay đổi, đó là sự Bất biến. Trong lúc đó, VIỆT VÕ ĐẠO là tên gọi có thể sẽ được thay đổi tùy theo sự phát triển của môn phái, chẳng hạn từ VIỆT VÕ ĐẠO mai sau có thể được chuyển thành NHÂN VÕ ĐẠO… Mặt khác, bên đầu đai này cũng gắn liền với biểu thị trình độ đẳng cấp như một gạch hay nhiều gạch thay đổi theo từng giai đoạn học tập, rèn luyện và tu dưỡng. Đó là sự Thường dịch. Nó cũng phù hợp với tập quán quốc tế (biểu thị đẳng cấp ở bên phải).

Hệ thống đai đẳng trong môn võ Vovinam
Hệ thống đai đẳng trong môn võ Vovinam

Thắt đai theo triết lý Âm Dương Thường Dịch
Cách thắt đai của Vovinam-Việt Võ Đạo cũng theo nguyên lý Cương Nhu phối triển: (thắt 2 vòng). Vòng trong là Âm, vòng ngoài là Dương. Nút thắt dây đai là sự phối hợp của Âm-Dương tức Cương-Nhu.
Tóm lại, Môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo thừa nhận có tuyệt đối, nhưng cũng thừa nhận có tương đối, tức là lúc nào trong cái BẤT BIẾN cũng có cái THƯỜNG DỊCH. Điều này không chỉ thể hiện trong đòn thế kỹ thuật của bản môn mà còn áp dụng trong cách hành xử, các nghi thức, trang phục…

Theo  Chauminhhay’s Blog

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng
Lên đầu trang