Mọi người đều nghĩ con gái học võ là bất thường hoặc cá tính đàn ông, nhưng liệu họ có nhầm khi nhìn thấy những “bông hoa” làng võ vovinam sau đây, họ không chỉ nổi tiếng ở làng võ mà còn nổi tiếng trong giới showbiz, với sự dịu dàng không kém bất kỳ cô gái nào? Không phải con gái học võ là khô cứng nhé. Chúng ta cùng điểm danh nhưng “bông hoa” làng võ vovinam nhé.
“Bông hoa” trong làng Vovinam – Nguyễn Thị Hoa (Cần Thơ)
Xem thêm:
- Con gái học võ có mất dáng không?
- Võ Phục Vovinam giá rẻ
- Võ sư Nguyễn Văn Chiếu: Một đời vì Việt võ đạo
- Ý nghĩa của võ phục môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo là gì?
- Nên chọn học môn võ nào?
25 tuổi với hơn 10 năm “tuổi nghề”, võ sĩ Nguyễn Thị Hoa là “bóng hồng” trụ lại lâu nhất với Vovinam Cần Thơ hiện nay. Sau những ngày đẫm mồ hôi tập luyện, cô đã giành nhiều HCV từ các giải cấp thành phố, giải trẻ quốc gia…
Cách đây không lâu, Ban Huấn luyện đội tuyển Vovinam Cần Thơ đã rất lo lắng khi võ sĩ Nguyễn Thị Hoa bị chấn thương khá nặng ở mắt cá chân, có nguy cơ lỡ hẹn với giải Vô địch Vovinam ĐBSCL thuộc Đại hội TDTT ĐBSCL 2009 tại Vĩnh Long Hoa được xem là niềm hy vọng vàng ở nội dung đa luyện vũ khí và song luyện vũ khí. Sau nhiều lần gắng sức tập mà không được, cô vẫn không bỏ cuộc khi chuyển qua tập nội dung đơn luyện và song luyện tay không, phù hợp hơn khi chấn thương của Hoa vẫn chưa lành. Dù lần đầu tiên thi đấu ở hai nội dung này, nhưng Nguyễn Thị Hoa đã mang về cho đoàn Cần Thơ 2 tấm HCV, góp phần quyết định giúp đội nhà giành vị trí thứ 2 toàn đoàn với 7 HCV. Ông Võ Hữu Lý, HLV trưởng đội tuyển Vovinam Cần Thơ nói: “Hoa là võ sĩ kiên cường trong tập luyện và thi đấu cùng niềm đam mê lớn với Vovinam. Em là một trong những trụ cột của đội tuyển Vovinam Cần Thơ hiện nay”.
Niềm đam mê Vovinam trong cô rất lớn nên suốt 4 năm qua , Hoa mới theo được thời gian biểu dày đặc suốt tuần. Sáng làm việc ở Trung tâm Văn hóa, Thể dục Thể thao huyện Phong Điền; chiều dạy Vovinam; tối tập luyện trong đội tuyển Vovinam Cần Thơ. Lúc nhỏ, Hoa “hạt tiêu” thích chơi nhiều môn thể thao từ Chạy, Bơi đến … Bóng đá . Một lần, em được chứng kiến đội Vovinam Phong Điền đến biểu diễn để mở lớp Vovinam mới ở Trường THCS Nhơn Nghĩa rồi…mê Vovinam luôn. Sợ cha, mẹ không đồng ý, Hoa “bí mật” đăng ký gia nhập CLB Vovinam trường THCS Nhơn Nghĩa rồi dùng “chiêu” gửi võ phục ở nhà bạn. Sau một năm, cha mẹ của Hoa mới biết chuyện khi xem trên ti-vi thấy con gái … giương cao chiếc HCV giải Vovinam huyện Châu Thành A. Họ không đồng ý cho con theo con đường võ thuật vì “con gái mà học võ làm gì”, nhưng Hoa vẫn không chịu bỏ cuộc nên ba mẹ đành chiều cô. Dù đường từ nhà đến “lò võ” khoảng 2km, mùa mưa sình lầy, nhưng võ sĩ “nhí” này không hề nản chí. Sau bao ngày khổ luyện, Nguyễn Thị Hoa đã giành chiến thắng ngọt ngào nhất là khi đoạt HCV đối kháng ở Giải trẻ quốc gia năm 2003. Trong trận chung kết, Hoa đã thắng đối thủ mạnh Phạm Thị Huệ (Vĩnh Long) với tỷ số 5-0.
Kỷ niệm “đáng sợ” nhất là chấn thương nặng do bị té trong một buổi tập cùng đội tuyển Vovinam Cần Thơ năm 2006, khiến chân Hoa sưng vù, phải mất 3 tháng điều trị mới đi lại bình thường được. Nhờ sự động viên của ba, mẹ và bạn bè, Hoa mới lấy lại tinh thần, rồi lại lao vào tập luyện…đến nay, cô mang đai Hoàng đai tam. Vừa là võ sĩ xuất sắc của đội tuyển Vovinam Cần Thơ, vừa là HLV đã mở 3 CLB Vovinam ở Phong Điền, Nguyễn Thị Hoa còn giành nhiều huy chương khi thi đấu môn võ chiến đấu dân quân tự vệ trong màu áo Tiểu đoàn Tây Đô ở các kỳ hội thao quân khu IX và toàn quốc.
Tháng 6 này, đã cùng bạn trai dự tính làm đám cưới, nhưng Hoa vẫn lưỡng lự bởi bố mẹ chồng tương lai không muốn con dâu tiếp tục theo nghề võ. Nguyễn Thị Hoa vẫn còn khát khao cháy bỏng chinh phục chiếc HCV quốc gia rồi theo học một khoá trọng tài để tiếp tục gắn bó với Vovinam sau này.
“Hoa Hậu Vovinam” Cao Thùy Dương
Cá tính mạnh mẽ là tài sản quý báu tôi có được từ những giọt mồ hôi trên sân tập Vovinam, người đẹp Cao Thuỳ Dương tâm sự. Đoạt danh hiệu Hoa hậu bình chọn qua mạng tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2008 với số phiếu bình chọn vượt xa người đứng ở vị trí thứ hai, Cao Thùy Dương là gương mặt sáng giá cho hệ thống giải chính thức của cuộc thi sắc đẹp lớn vào bậc nhất thế giới này. Mang vẻ ngoài mạnh mẽ, nhưng ít ai biết, tuổi thơ của người đẹp họ Cao lại nhiều vất vả, thiệt thòi. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó ở thị trấn Cổ Phúc, cách thành phố Yên Bái 20 km, gia đình Dương chỉ có nghề làm ruộng, thế nên ngay từ nhỏ xíu, cô bé Dương phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng lứa. Cao Thùy Dương sinh năm 1987, cao 1m72, số đo ba vòng 89 – 61 – 89, từng đoạt giải Hoa hậu Tài năng cuộc thi Hoa hậu Thể thao 2007 với bài “song đao pháp”, do võ sư chuẩn hồng đai Dương Như Thể cải biên thành vũ đạo Vovinam. Một trong những lý do giúp bài diễn của Dương ngay lập tức thuyết phục Ban giám khảo, là vì người đẹp này xuất thân là vận động viên hoàng đai III của môn phái Việt võ đạo.
Người thầy cũ của Cao Thùy Dương, huấn luyện viên Phạm Ái Quốc nhớ như in ngày đầu cô học trò đến lớp Vovinam năm 2002. Khi đó, cô bé 15 tuổi đang theo học bóng chuyền, còn thầy Quốc, quê tận Tây Ninh, đến Yên Bái thành lập lớp võ Vovinam đầu tiên của địa phương. Nhận thấy Thùy Dương có nhiều triển vọng, tâm huyết với thể thao, thầy Quốc dồn nhiều thời gian rèn Dương luyện võ từ sáng tới chiều. Thùy Dương từng tâm sự: Em hy vọng được theo con đường vận động viên chuyên nghiệp, bởi nếu ở nhà, em chỉ có thể làm ruộng hoặc đi bán rau thôi. Chế độ hỗ trợ eo hẹp của nhà trường không đủ trang trải tiền học, sinh hoạt phí. Sống xa gia đình, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, cô học trò nhỏ quý mến thầy Quốc như cha. Thầy rèn cho Dương tác phong chỉn chu, nghiêm túc trong tập luyện, sinh hoạt và ý chí vươn lên.
Năm 2004, Cao Thùy Dương đoạt Huy chương đồng đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu tại giải vô địch Vovinam tổ chức ở Cần Thơ. Năm 2005, sau một năm nỗ lực tập luyện, cô gái xinh đẹp của làng thể thao Yên Bái giành Huy chương bạc giải Vô địch tại Phú Yên. Gia đình nghèo nên Thùy Dương ăn mặc rất giản dị, không trang điểm nhưng luôn nổi bật trong đám đông với khuôn mặt sáng. Không có điều kiện chăm chút vẻ bề ngoài, song Thùy Dương may mắn sở hữu hình thể trời cho. Mỗi lần đi thi đấu, các đoàn khác thường xuýt xoa: Thầy Quốc có cô học trò xinh như hoa hậu. Thầy Quốc cười kể lại, thời điểm ấy, thầy không chú ý lắm những lời khen. Năm 2006, Thùy Dương nộp đơn xin nghỉ, lúc đó, thầy mới hụt hẫng và biết Dương theo đuổi theo con đường mới với hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy là cô học trò của tôi giã từ sàn tập, theo ngành giải trí và làm người mẫu. Một năm sau đó, em đoạt giải Người đẹp tài năng trong cuộc thi Hoa hậu thể thao. Bạn bè trong môn phái Vovinam toàn quốc gọi điện chúc mừng học trò của thầy giờ đã nổi tiếng. Lúc đó, tôi mừng cho Dương lắm, vì con đường em chọn bước đầu gặp thuận lợi, thầy Quốc bày tỏ.
Những bộ trang phục Thùy Dương mặc trong đêm chung kết Hoa hậu Quốc tế 2008 Trong cuộc thi Hoa hậu Thể thao, màn biểu diễn Song đao pháp của Thuỳ Dương khiến ban giám khảo thực sự kinh ngạc. Sự tự tin cộng với phong cách mới mẻ và những đường nét vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ của Việt Võ Đạo đã chinh phục những vị cầm cân nảy mực. Trong cuộc thi, Thuỳ Dương được đánh giá là thí sinh có thân hình đẹp nhất, và trở thành một trong số ít gương mặt sáng giá cho ngôi vị Hoa hậu.
“Bông hồng có gai” của Đại Học FPT – Trần Thị Thư
Theo đuổi đam mê võ thuật từ khi học phổ thông, nữ sinh của Đại học FPT được mệnh danh là “bông hồng có gai” trên sàn đấu khi sở hữu loạt thành tích ấn tượng.
Trần Thị Thư hiện là chủ nhân của tấm huy chương vàng ở nội dung quyền Thập tự đơn nữ và Thập tự đồng đội nữ Giải vô địch Vovinam dành cho học sinh, sinh viên FPT 2017.
Trước đó, cô gái gốc Nam Định cũng để lại nhiều hình ảnh đẹp trên sàn đấu Giải vô địch Vovinam sinh viên toàn miền Bắc với tấm huy chương bạc.
Bỏ găng tay, giáp mặt hỗ trợ khi thi đấu, Thư khiến nhiều người bất ngờ bởi vẻ ngoài xinh xắn, nụ cười tươi rói và mái tóc ngang vai nữ tính. Hình ảnh này đối lập hoàn toàn với một nữ vận động viên luôn lăn xả, hết mình và can trường trên sàn đấu.
Nhiều người cho rằng võ thuật không phù hợp với phái yếu, nhưng Thư lại nghĩ khác. “Mỗi người phụ nữ hiện đại sẽ thể hiện một cá tính riêng. Cá tính ấy phải khác biệt so với người khác. Đối với mình, việc học võ không làm giảm đi sự nữ tính mà trái lại còn thể hiện cá tính một cách mạnh mẽ hơn. Mình thích điều ấy”, cô gái trẻ cho hay.
Thư yêu thích võ thuật, đặc biệt là Vovinam. Cô theo đuổi đam mê này từ khi còn học phổ thông. Thầy cô giáo, bạn bè và gia đình đều ủng hộ cô tập luyện và thi đấu võ thuật.
Thi vào Đại học FPT, nữ sinh gốc Nam Định “như cá gặp nước” bởi Vovinam là môn học thể chất chính khóa của tất cả sinh viên theo học ngôi trường này. Liên tục tham gia và đạt thành tích ấn tượng, Thư sớm trở thành gương mặt quen thuộc ở các giải đấu Vovinam do Đại học FPT tổ chức.
Hiện Trần Thị Thư đang theo học năm 2 Đại học FPT. Các bài tập giữa kỳ hay kỳ thi cuối khóa của sinh viên khối kinh tế thường kết hợp giữa kiến thức chuyên ngành, hiểu biết thực tế, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình.
Do đó, ngoài đam mê võ thuật, Thư cũng dành nhiều thời gian học tập trên giảng đường như nhiều sinh viên khác. Tan học, nữ sinh gốc Nam Định thường cùng bạn bè đến thư viện tìm đọc tài liệu hoặc học nhóm.
Bên cạnh đó, nữ sinh 9X cũng là thành viên tích cực của câu lạc bộ (CLB) Vovinam và CLB Kinh doanh do sinh viên khối ngành kinh tế, Đại học FPT làm nòng cốt. Hàng ngày, Thư cùng các bạn trong CLB dành khoảng 2-3 tiếng buổi tối để trao đổi kiến thức về kinh doanh, lên kế hoạch tổ chức các hoạt động nội bộ hoặc sự kiện học thuật cho sinh viên.
Tuy bận rộn nhưng cô gái này không hề tỏ ra mệt mỏi. Thư cho biết: “Mình luôn cảm thấy yêu thích và có thể hoàn thành tốt các môn học chuyên ngành và hoạt động của CLB”.
Ngoài bảng thành tích đáng nể về võ thuật, Thư còn là sinh viên có điểm tổng kết cao nhất trường trong một học kỳ. Học kỳ gần đây nhất, Thư đạt danh hiệu sinh viên học tập và hoạt động phong trào xuất sắc nhất trường với 9,24 điểm học tập (trên tổng điểm 10) và 84,75 điểm phong trào (trên tổng điểm 100).
Chia sẻ về bí quyết cân bằng giữa việc học, luyện tập Vovinam và tham gia hoạt động CLB, Thư nói: “Nếu đã thích môn gì thì mình học rất nhanh và cũng dành nhiều thời gian cho môn học đó. Hàng ngày, mình tham gia sinh hoạt CLB 6h-9h. Đây cũng là lịch sinh hoạt chung của các bạn sinh viên khác. Sau đó, từ 9h30 đến 12h, mình dành thời gian để học bài trên lớp, đọc thêm tài liệu. Bí quyết quan trọng nhất của mình là sự tập trung”.
Nữ sinh “văn võ song toàn” cho rằng môi trường năng động tại Đại học FPT giúp cô thoải mái, tự tin trong học tập và hoạt động câu lạc bộ. “Mình chọn Đại học FPT vì ấn tượng với ngôi trường thân thiện, sôi nổi. Sau gần 2 năm học tập, ấn tượng ấy vẫn vẹn nguyên trong mình”, Thư chia sẻ.